10 lời khuyên cho du học sinh muốn định cư Úc năm 2018

10 Loi Khuyen Cho Du Hoc Sinh Muon Dinh Cu Uc Nam 2018 1

Định cư Úc là mục tiêu hàng đầu của hầu hết du học sinh Việt, tuy nhiên do luật Úc thay đổi khá thường xuyên nên bạn cần nắm rõ 10 vấn đề sau đây để trở thành thường trú nhân một cách dễ dàng nhất sau khi tốt nghiệp.

10 lời khuyên cho du học sinh muốn định cư Úc năm 2018

1. Luôn nỗ lực nâng cao điểm định cư

60 điểm không đủ để đảm bảo ứng viên nhận được thư mời từ Bộ Di trú. Điểm số càng cao sẽ giúp bạn gần tấm vé nhận được thư mời hơn. Sau đây là một số cách để nâng cao điểm số của bạn:
– Nâng cao điểm số Tiếng Anh.
– Có kinh nghiệm làm việc diện tay nghề tại Úc.
– Được đề cử của tiểu bang.
– Có bằng Đại học hoặc cao hơn.
– Số năm nghề nghiệp (Professional Year).

Ngoài ra còn một số phương án khác như:

– Kỹ năng của người phụ thuộc: Nếu đã kết hôn, người phụ thuộc có thể góp thêm điểm cho bạn.
– Bài kiểm tra biên dịch hoặc phiên dịch của NAATI: Bạn sẽ được cộng thêm 5 điểm nếu vượt qua kỳ thi này bằng cách chỉ việc biên/phiên dịch một chiều hoặc có kỹ năng thuyết minh.

2. Cố gắng đạt điểm Tiếng Anh cao nhất

Tất cả các hồ sơ định cư diện tay nghề đều yêu cầu Tiếng Anh ít nhất là IELTS 6.0 trong 4 phần thi (không kỹ năng nào dưới 6 điểm). Một trong những cách tốt nhất nhằm tăng cơ hội đó là lấy được mức điểm càng cao càng tốt.

Nếu mỗi phần thi IELTS đạt 7.0 trở lên hoặc một điểm B trong bài kiểm tra Tiếng Anh nghề nghiệp (OET) thì bạn được cộng thêm 10 điểm.

Nếu mỗi phần thi IELTS đạt 8.0 trở lên hoặc điểm A trong bài OET thì bạn được cộng 20 điểm, từ đó cơ hội định cư Úc của bạn sẽ cao hơn so với nhiều ứng viên khác.

Các bạn nên tham gia các khóa học luyện thi IELTS, bởi bài thi IELTS không chỉ là cách bạn giao tiếp bằng Tiếng Anh, mà việc hiểu biết cách thức kiểm tra IELTS cũng rất quan trọng.

Một số lưu ý với tiêu chí điểm Tiếng Anh:

Hiện nay có một số bài kiểm tra trình độ Tiếng Anh khác nhau. Bạn nên chọn bài test mình khá nhất trong số đó.
Bạn phải đạt một mức điểm tối thiểu yêu cầu cho mỗi bang. Khó hơn rất nhiều so với việc đạt điểm số trung bình cộng lại.

3. Nắm rõ cách thức hoạt động của chương trình Lựa chọn Kỹ năng (Skill Select)

Theo hệ thống Skill Select, đầu tiên ứng viên phải nộp một đơn Bày tỏ nguyện vọng EOI (Expression of Interest), và nhận được một thư mời từ Bộ Di Trú trước khi họ có thể nộp đơn xin thị thực di dân có tay nghề.

Hiện nay có 8 ngành nghề đang nhận được nhiều thư EOI hơn các ngành còn lại:

– Kế toán.
– Kiểm toán viên.
– Thư ký và thủ quỹ.
– Chuyên gia phân tích công nghệ thông tin và truyền thông.
– Lập trình viên phần mềm và ứng dụng.
– Chuyên gia mạng máy tính.
– Kỹ sư điện tử.
– Kỹ sư cơ khí, sản xuất và công nghiệp.

Điều này làm cho điểm số yêu cầu để nhận được thư mời cao hơn hoặc thời gian chờ đợi xét duyệt lâu hơn. Thậm chí, ngay khi bạn được 60 điểm thì vẫn có khả năng bị đánh trượt vì đăng ký vào trong 8 nghề trên.

Skill Select hiện tại là vòng khó nhất trong quá trình xét duyệt visa định cư Úc theo diện tay nghề. Vì vậy, để tối đa hóa cơ hội và số điểm của mình, bạn cần cập nhật xu hướng công việc và chọn đúng ngành nghề.

4. Chọn đúng nghề nghiệp để đánh giá kỹ năng (Skills Assessment)

Bước đầu tiên cho hầu hết các đơn xin visa định cư diện tay nghề là chọn được nghề nghiệp để đề cử và đạt được số điểm tối thiểu trong thang điểm di trú Úc.

Các tiêu chí để đánh giá kỹ năng sẽ khác nhau với mỗi nghề nghiệp. Thường dựa vào trình độ, kinh nghiệm làm việc và khả năng tiếng Anh. Ngay khi hồ sơ được nộp, bạn sẽ không được thay đổi nghề nghiệp đã đề cử nữa.

Nếu có thể, tốt nhất là đề cử một nghề nghiệp trong Danh sách nghề nghiệp có tay nghề SOL (Skilled Occupations List).

Chỉ có 190 ngành nghề trong danh sách. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua bài đánh giá kỹ năng trong danh sách SOL, bạn có khả năng nộp đơn cho bất kỳ loại visa định cư diện tay nghề nào.

Dưới đây là một số vấn đề liên quan bạn cần lưu ý:

– Tiêu chí đánh giá kỹ năng: Tùy thuộc vào ngành nghề bạn chọn.
– Mức độ cạnh tranh của Chương trình Lựa chọn Kỹ năng (Skill Select): Một số nghề sẽ nằm trong diện cạnh tranh gay gắt vì nhiều hồ sơ đăng ký vào nên khả năng nhận được thư mời cũng sẽ khó hơn.
– Cơ hội đề cử từ tiểu bang: Mỗi tiểu bang có danh sách định cư diện tay nghề và tiêu chí đề cử riêng. Chọn đúng ngành có thể mở ra cơ hội nhận được đề cử của chính quyền tiểu bang.

5. Tìm kiếm cách thức để tăng điểm kinh nghiệm làm việc tại Úc

Có một công việc đúng chuyên ngành tại Úc không chỉ giúp bạn trang trải sinh hoạt phí mà còn mở ra nhiều cơ hội định cư Úc khác như được nhà tuyển dụng bảo lãnh, được cộng tối đa 20 điểm kinh nghiệm, dễ dàng nhận được đề cử của tiểu bang khi đã có sẵn kinh nghiệm làm việc tại Úc trước khi tiến hành làm hồ sơ.

Dưới đây là một số gợi ý để công cuộc tìm việc của bạn trở nên dễ dàng hơn:

– Khai thác tối đa cơ hội việc làm từ mạng lưới quan hệ của bạn – các trung tâm việc làm tại các trường đại học thường tổ chức rất nhiều hoạt động.
– Gặp gỡ người dân địa phương – điều này sẽ giúp bạn làm quen với văn hóa bản địa và nâng cao khả năng tiếng Anh.
– Số năm nghề nghiệp (Professional Year) đối với sinh viên ngành Kế toán, Kỹ thuật và CNTT. Sinh viên có thể hoàn thành kết hợp giữa việc học và việc thực tập sau khi hoàn thành khóa học chính, thường là trong khi có visa tạm trú sau tốt nghiệp. Điều này sẽ cộng thêm 5 điểm và giảm bớt sự đòi hỏi tiếng Anh đối với sinh viên kế toán.

6. Nên lựa chọn ngành học theo đam mê của bạn

Nhiều sinh viên chạy theo ngành học dễ dàng để xin PR mà không theo đuổi ngành học mình thật sự hứng thú. Tuy nhiên, không có ngành học nào có thể đảm bảo tấm vé định cư cho bạn. Hiện nay, Bộ Di trú đã đề ra hạn mức số người có thể định cư cho mỗi ngành nghề. Vì vậy, tốt hơn hết hãy chọn con đường bạn thật sự đam mê để gắn bó lâu dài.

Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã tìm kiếm được sự bảo lãnh từ các nhà tuyển dụng và định cư tại Úc. Chính vì vậy, bạn sẽ có cơ hội cao hơn nhận được lời mời từ các nhà tuyển dụng nếu hoàn thành tốt ngành học mình chọn.

7. Tìm hiểu thêm về các chương trình đề cử của các tiểu bang

Các đề cử từ tiểu bang sẽ rất thuận lợi cho du học sinh vì:

– Bạn sẽ được thêm 5 điểm bảo lãnh cho việc sống trong khu vực đô thị và 10 điểm cho việc sống trong khu vực địa phương.
– Danh sách nghề nghiệp rộng hơn: Bạn có thể đề cử bất cứ nghề nghiệp nào trong danh sách CSOL (nhiều hơn danh sách SOL).
– Chương trình Lựa chọn Kỹ năng (Skill Select) ưu tiên: Bạn sẽ được thư mời ngay sau khi chính quyền tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ hoàn thành việc đề cử.

Những tiểu bang và vùng lãnh thổ có xu hướng cấp thư mời cho sinh viên đã học tại khu vực được làm việc tại đó. Bởi vậy cơ hội định cư Úc của bạn cũng sẽ được rộng mở hơn so với các sinh viên quốc tế ở khu vực khác.

Có hai loại visa định cư diện tay nghề mà các tiểu bang, vùng lãnh thổ có thể đề cử:

– Visa 190 (Tay nghề có bảo lãnh) là thị thực thường trú cho phép bạn sống bất cứ nơi nào của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ.
– Visa 489 (Tay nghề vùng miền) là thị thực tạm trú 4 năm, đòi hỏi bạn phải sống và làm việc trong một khu vực địa phương trong 2 năm để có thể trở thành thường trú nhân.

10 lời khuyên cho du học sinh muốn định cư Úc năm 2018

8. Hoàn thành tốt các chương trình học tại Úc

Hoàn thành trình độ chuyên môn ở Úc có thể trợ giúp rất nhiều trong việc đạt được điểm tối thiểu trong thang điểm định cư Úc.

– Học tập tại địa phương xa xôi (Vùng ít dân): Sinh viên hoàn tất 2 năm học tại các khu vực này sẽ nhận được thêm 5 điểm. Làm gia tăng cơ hội nhận được đề cử của chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ khi họ đòi hỏi việc học tập phải được hoàn thành tại địa phương.
– Bằng Đại học hoặc cao hơn: nhiều ngành nghề trong Danh sách định cư diện tay nghề (Skilled Occupations List-SOL) đòi hỏi bằng đại học để đánh giá kỹ năng. Hoàn thành chương trình Đại học hoặc cao hơn ở Úc sẽ rất cần thiết cho dạng Tiếp tục học của Thị thực tạm trú sau tốt nghiệp.
– Tiến sĩ hoặc thạc sĩ nghiên cứu: nhóm chuyên ngành diện STEM sẽ được cộng thêm điểm. Nhiều tiểu bang cũng tạo điều kiện thuận lợi đề cử thư mời cho nhóm này.

9. Tận dụng tối đa visa 485 – visa tạm trú cho sinh viên tốt nghiệp

Nhiều sinh viên không có đủ thời gian để xin định cư Úc trong khoảng thời gian kết thúc khóa học và trước khi hết hạn visa du học của mình. Visa 485 là một bước đệm tốt trên con đường trở thành thường trú nhân tại Úc. Vì vậy hãy khai thác triệt để thời gian bạn giữ visa này như sau:

– Tham gia chương trình Professional Year: Mang đến cho bạn nhiều lợi thế trong quá trình đánh giá kỹ năng, cộng thêm điểm định cư tại Úc. Thậm chí bạn có thể nhận được một lời mời việc làm từ chương trình này.
– Tăng kinh nghiệm làm việc: Quyền hạn visa cho phép bạn được làm việc trong thời gian học nên hãy tìm kiếm các cơ hội việc làm tại Úc phù hợp nhất có thể.
– Di chuyển tới các tiểu bang “có lợi” về chính sách định cư: Nhiều bang yêu cầu bạn phải sinh sống, làm việc và học tập tại địa phương trước khi đồng ý bảo lãnh cho bạn.

10. Xin Bridging Visa đúng cách

Quy trình xin Bridging visa khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đến điều kiện xin định cư Úc. Một số vấn đề phổ biến xung quanh Bridging visa gồm:

– Nộp thư bày tỏ nguyện vọng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được Bridging visa. Bạn cần nhận được thư mời từ Bộ Di trú, và giai đoạn này có thể kéo dài hàng tháng.
– Nếu bạn có ý định kéo dài thời gian ở lại Úc thì cần xin thêm một visa trước khi visa du học hết hạn.
– Nếu bạn chưa sẵn sàng để xin định cư thì có thể nộp xin visa sinh viên tốt nghiệp hoặc du lịch.

Thường bạn sẽ nhận được Bridging A visa nếu bạn nộp tại Úc. Quy trình có thể bị gián đoạn nếu bạn rời khỏi Úc nên bạn có thể cần xin Bridging B visa.